This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Viêm amidan giải đáp của chuyên gia

Biểu hiện viêm amidan

Viêm amidan có 3 thể gồm viêm amidan cấp tính, mạn tính hoặc quá phát. Với mỗi thể viêm amidan có các triệu chứng khác nhau. viêm amidan cấp tính bệnh nhân có khởi phát đột ngột, thường sốt 39-400C, kèm theo nổi hạch, nuốt rất đau.

Viêm amidan mạn tính thường tái phát, có biểu hiện sốt, thỉnh thoảng sốt tái đi tái lại, hơi thở hôi do có ổ nhiễm trùng, bệnh nhân khạc ra đờm là do ổ viêm amidan xuất tiết.

Viêm amidan quá phát tức là amidan sưng to thường xuyên. Ở người viêm amidan quá phát, bệnh nhân thở khò khè, người lớn ngủ ngáy, trẻ con có thể gặp hội chứng ngừng thở khi ngủ. Khi ngủ, amidan chèn vào đường thở gây hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Cần khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định và tư vấn đúng.

Cần khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định và tư vấn đúng.

Chỉ định cắt amidan khi nào?

Amidan vốn có tác dụng giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nhưng khi tổ chức này bị viêm đi viêm lại nhiều lần dẫn tới các đợt viêm mũi họng. Viêm họng mạn tính hay viêm amidan tái phát nhiều sẽ dẫn tới các biến chứng như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm màng tim, thậm chí là ung thư vòm họng. Theo ThS.BS. Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tai mũi họng TW, nếu viêm amidan nhiều lần gây ảnh hưởng tới đường thở, viêm amidan dẫn tới biến chứng viêm tai, viêm phế quản, viêm mũi xoang... cần cắt amidan. Ở người lớn, viêm amidan mạn tính, các hốc gây viêm kéo dài cũng có chỉ định cắt. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa và tư vấn bác sĩ để có chỉ định đúng. Cắt amidan đúng chỉ định có nghĩa chúng ta đã loại bỏ một ổ nhiễm khuẩn trong họng và sau khi việc đó diễn ra thì người bệnh sẽ có sức khỏe tốt hơn, tần suất viêm đường hô hấp giảm rất nhiều.

Tuy nhiên, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nội khoa nguy hiểm đến quá trình gây mê trong lúc phẫu thuật không nên cắt amidan. Trong trường hợp này, phải sử dụng các biện pháp khác như dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng tia laser để điều trị các hốc amidan đó. Đây là những phương pháp nhẹ nhàng hơn, có thể giảm thiểu những nguy cơ của gây mê khi cắt amidan.

ThS.BS. Lê Anh Tuấn cũng bổ sung rằng, khi nói đến cắt amidan, đó là amidan khẩu cái, hai khối lớn nhất trong họng. Trong họng còn có các vòng Waldeyer và các tổ chức tương tự như amidan, ở phía trên gọi là VA, nhưng phía dưới còn có amidan đáy lưỡi. Thực tế, cắt amidan là loại bỏ toàn bộ amidan khẩu cái. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vẫn có hiện tượng viêm họng và có thể viêm hoặc tái phát amidan đáy lưỡi. Trong những trường hợp đó, khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán vẫn có thể đưa ra chẩn đoán là viêm amidan đáy lưỡi, viêm họng. Viêm amidan đáy lưỡi thường không có can thiệp phẫu thuật.

Sau cắt amidan nên làm gì?

Nhiều người lo lắng cắt amidan có thể ảnh hưởng tới giọng nói. Theo các bác sĩ, amidan không phải là cơ quan phát âm nên không gây ảnh hưởng tới giọng nói, không gây ra hiện tượng mất tiếng hay khàn tiếng. Tuy nhiên, có trường hợp amidan quá to, bệnh nhân có tình trạng nói mà miệng như ngậm hạt thị, sau khi cắt amidan, tiếng nói trở nên thanh thoát hơn. Sau cắt amidan, bác sĩ không chỉ định bệnh nhân ngừng nói, bệnh nhân có thể nói ngay sau khi cắt amidan. Tuy nhiên, người bệnh vì đau quá nên ngại nói hoặc nói nhỏ.

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn: Đối với bệnh nhân cắt amidan, điều đáng quan tâm nhất là chế độ ăn uống. Sau vài giờ đầu hay những ngày đầu sau cắt amidan, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng, mềm và phải ăn đồ lạnh, không ăn đồ nóng. Đầu tiên nên uống sữa và uống sữa lạnh. Rồi uống nước trái cây để trong tủ lạnh. Khoảng vài giờ sau, nếu bệnh nhân không có biến chứng chảy máu thì có thể ăn nhẹ, ăn cháo. Tốt nhất, ăn các loại cháo, súp nấu lên và để nguội. Chế độ ăn cháo, súp, uống sữa, uống nước trái cây theo cách này cần được thực hiện trong vòng ít nhất một tuần. Sau đó, vết thương đã lành, có thể dần dần ăn cơm nấu hơi nát, thức ăn xay nhỏ, nấu nhừ... Khoảng 10-15 ngày sau, khi bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục mới có thể ăn uống như bình thường được. Để tăng sức đề kháng nên chọn thực phẩm giàu vitamin A, C, muối khoáng như cam, chanh, khoai tây, cà rốt,... để bệnh nhân nhanh hồi phục.

Viêm amidan quá phát.

Viêm amidan quá phát.

Cách phòng tránh viêm amidan, tái phát viêm amidan

PGS.TS. Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Phó trưởng bộ môn Nội tổng hợp, ĐH Y Hà Nội cho biết, viêm họng trong đó có viêm amidan có rất nhiều nguyên nhân như virut, vi khuẩn, khói bụi, ô nhiễm môi trường... Viêm amidan là tình trạng viêm ở vùng amidan. Khi amidan sưng lên chứng tỏ có vi khuẩn xâm nhập. Khi thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virut sinh sôi, nảy nở, xuất hiện các loại virut mới. Nếu trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch rất dễ mắc viêm họng, viêm amidan. Viêm họng, viêm amidan còn liên quan tới vấn đề vệ sinh, do vệ sinh không đúng cách. Trẻ em hay cho tay vào miệng khiến virut, vi khuẩn dễ xâm nhập. Amidan có cấu tạo nhiều hốc, khi ăn xong chúng ta không vệ sinh sạch sẽ là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Việc hút thuốc thụ động cũng là nguyên nhân làm chúng ta bị bệnh, nếu trong gia đình có người hút thuốc cũng dễ khiến cho người già, trẻ em bị hút thuốc thụ động dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.

ThS.BS. Lê Thị Hải cho biết, thói quen thích ăn nóng, ăn cay của người Việt không tốt cho họng. Ăn quá nóng, quá cay là một trong những nguyên nhân gây ra viêm họng mạn tính. Sở thích ăn kem, uống nước đá cũng là nguy cơ gây viêm họng, viêm amidan... Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, ăn mặn là một trong những nguyên nhân gây viêm họng mạn.

Khi bị viêm họng, viêm amidan, cảm giác đầu tiên là họng đau, khó nuốt, khó ăn. Về chế độ dinh dưỡng, cần uống đủ nước, nước ấm giúp cho dịch tiết (đờm) loãng ra để có thể tống xuất được đờm ra ngoài. Uống đủ nước cũng làm cho họng dễ chịu hơn. Khi bị viêm amidan cấp, họng rất đau và nuốt khó do vậy thức ăn phải lỏng, mềm và dễ nuốt. Nếu các cháu bé sơ sinh thì bú mẹ, lớn hơn một chút thì uống sữa, ăn cháo, ăn súp. Và ngay cả người lớn cũng vậy, khi mà đau họng như thế thì không thể ăn được cơm, đồ cứng, đồ chiên xào rán thì không nên ăn. Ngay cả đồ khô cứng quá như bánh quy, hạt lạc cũng không nên ăn. Thức ăn tốt nhất là súp, cháo, sữa. Và đặc biệt, không nên nấu thức ăn cay và nóng quá hay mặn quá, vì sẽ làm tổn thương niêm mạc họng, làm cho bệnh không những không khỏi mà còn tiến triển nặng hơn lên khi biểu mô niêm mạc bị tổn thương. Những người có thói quen ăn cay, ăn nóng, ăn mặn quá dễ là nguyên nhân dẫn đến tổn thương niêm mạc họng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virut thâm nhập vào làm chúng ta bị viêm họng - BS. Lê Thị Hải khuyên.

L.M.T (ghi)


Hàm lượng vitamin D cao khi nhỏ có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường

Hàm lượng vitamin D cao khi nhỏ có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường

Tiểu đường týp 1 là một bệnh tự miễn mạn tính đang tăng 3-5% mỗi năm trên thế giới và xuất hiện khi hệ miễn dịch của cơ thể tự phá hủy các tế bào beta sản sinh insulin trong tuyến tụy. Các nhà nghiên cứu cho biết, vitamin D là loại vitamin có tác dụng bảo vệ chống lại tiểu đường vì nó điều chỉnh hệ thống miễn dịch và khả năng tự miễn.

Tác giả chính của nghiên cứu, Jill Norris từ Đại học Colorado - Anschutz cho biết: "Trong nhiều năm đã có nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học về việc liệu vitamin D có làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tự miễn và tiểu đường týp 1 hay không". Trong nghiên cứu, được xuất bản trên tạp chí Diabetes, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các yếu tố kích hoạt và các yếu tố bảo vệ ở 8.676 trẻ có nguy cơ tiểu đường týp 1 cao.

Họ đã xác định khả năng tự miễn ở 376 trẻ và so sánh chúng với 1.041 trẻ không có nguy cơ cao. Trong số những trẻ có nguy cơ di truyền mắc bệnh tiểu đường týp 1 cao, những trẻ có mức Vitamin D thấp trong thời kỳ sơ sinh và khi nhỏ đã phát triển khả năng tự miễn dịch cao so với những trẻ không phát triển khả năng tự miễn. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng vitamin D cao hơn khi còn nhỏ có liên quan đáng kể với giảm nguy cơ phát triển bệnh tự miễn.

BS Thu Vân

(theo Univadis/THS)

Giáo sư dược học Italy thử nghiệm trị bệnh xương, ung thư từ cây Chay của Việt Nam

Cây chay thường sống ở các vùng núi cao của Việt Nam

Cây chay thường sống ở các vùng núi cao của Việt Nam

Tại hội thảo hợp tác KH&CN Việt Nam- Italia lần thứ nhất, có một cây thuốc quý của Việt Nam đã được nhắc tới, đó chính là cây chay, tên khoa học là Artocarpus, có tiềm năng trong điều trị bệnh xương khớp và một số bệnh ung thư. GS.Domenico Delfino, chuyên ngành dược học từ Trường Đại học Perugia của Italia đã tỏ ra rất bất ngờ khi ông đã đích thân thực hiện các thử nghiệm về loài cây này trên động vật ở Italia và cho thấy chân của chúng đã lành lại sau khi được dùng thuốc.

Cây chay dùng để chữa bệnh là các cây lớn 7-8m, sống ở vùng núi cao của Việt Nam. Có đến 5 loài Artocarpus, thường sống ở chùa chiền, miếu,… và cây chay thường được đồng bào dân tộc thiểu số trồng rộng rãi.

Tiềm năng chữa bệnh của cây chay (Artocarpus)

“Sau khi biết được thông tin về cây thuốc chữa bệnh này từ GS. Trần Văn Sung, chúng tôi đã có thử nghiệm. Sau khi chiết xuất từ cây đó, chúng tôi đã dùng thí nghiệm trên động vật, chân bị thương của chúng đã khỏe lại bình thường. Cây chay có tác dụng chữa bệnh viêm khớp. Cây chay chứa chất tonkinensis có tác dụng tốt chữa bệnh về khớp. Cây thực vật chứa thành phần cơ bản có thể được sử dụng chế tạo thuốc. ”, GS.Domenico Delfino chia sẻ.

Chiết xuất từ rễ và lá của cây chay (tên khoa học artocarpus) có các thành phần chống viêm khớp, trị bệnh bạch cầu tủy cấp tính, ung thư gan và ung thư dạ dày.

Chiết xuất cây thuốc và thảo mộc Việt Nam để điều trị bệnh tự miễn và ung thư

"Kết hợp y học cổ truyền và y học phương tây: Chiết xuất cây thuốc và thảo mộc Việt Nam để điều trị bệnh tự miễn và ung thư" là dự án hợp tác giữa Trường Đại học Perugia (Italia) với Viện KH&CN Việt Nam.

Cây chay trong kho tàng y học cổ truyền Việt Nam đã được các thầy lang và nhân dân dùng để chữa bệnh viêm khớp, đau lưng, phong thể thấp, viêm đại tràng,.... Theo GS. Domenico, các chiết xuất từ rễ và lá của cây chay có tác dụng chống viêm, giảm viêm khớp, có thể ức chế sự phát triển của tế bào T, tiêu diệt u lympho, trị bệnh bạch cầu tủy cấp tính, ung thư gan, ung thư dạ dày. Có thể chiết xuất các thành phần quý từ rễ và lá của loài cây này để điều chế thành thuốc.

cây chay chữa viêm khớp và một số bệnh ung thư

Nghiên cứu của Đại học Perugia (Italia) cho thấy chiết xuất từ cây chay có tiềm năng chữa viêm khớp và một số bệnh ung thư

GS. Trần Văn Sung, người từng lấy bằng tiến sĩ ở Trường ĐH Martin-Luter của Đức, hiện đang công tác tại Viện Hóa học, Viện KH&CN Việt Nam cho biết: “Trải qua 11 năm nghiên cứu hợp tác về loài cây này, chúng tôi đã công bố báo cáo đầu tiên về hoạt động liên quan tới loài cây này ở một số nước khác. Chúng tôi đã gửi báo cáo mẫu, cây mẫu cho GS. Domenico, kết quả nghiên cứu rất thú vị. Lần đầu tiên sau kết nối đó, chúng tôi có quan hệ thân mật, chặt chẽ hơn. Kết quả khá là hứa hẹn. GS. Domenico thậm chí còn muốn mở rộng nghiên cứu cho các loài cây YHCT khác của Việt Nam. Đây là dự án, ý tưởng đầy hứa hẹn. Đối với các nhà khoa học Việt Nam và Italia, đây là điểm then chốt cho quan hệ hợp tác của chúng ta. Những kiến thức, di sản về quan hệ hợp tác trong công nghệ hiện đại sẽ là cơ hội hợp tác cho các nhà khoa học.”

GS. Domenico Delfino và GS. Trần Văn Sung trình bày về tiềm năng chữa bệnh của cây chay

GS. Domenico Delfino và GS. Trần Văn Sung trình bày về tiềm năng chữa bệnh của cây chay tại Hội thảo KH&CN Việt Nam-Italia lần thứ nhất (21/11/2017).

Hợp tác Việt Nam-Italia: Kết hợp giữa YHCT và y học hiện đại trong điều trị bệnh

Theo GS. Domenico, kết hợp y học cổ truyền và y học phương Tây có thể mang lại nhiều triển vọng, đặc biệt đối với một số bài thuốc điều trị bệnh ung thư và tự miễn từ Việt Nam.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), y học cổ truyền (YHCT) là các kiến thức, kỹ năng, và cách thực hành dựa trên lý thuyết, tín ngưỡng, và kinh nghiệm của nền văn hóa bản địa để duy trì sức khỏe và phòng ngừa, chẩn đoán hay điều trị các bệnh thể chất hoặc tinh thần.

Nhìn lại lịch sử ngành dược học, vào năm 1929, phát minh ra thuốc penicillin của Fleming đã mở đường cho sự phát triển ra ngành dược học. Sau đó, khái niệm YHCT ở phương Tây đã bị mai một. Thế giới của dược học hiện đại đã chiếm lĩnh với sự phát triển của ngành dược học, có 2 bác sĩ người Italia đã được ghi danh là Marcello Mastroianni và Vittorio De Sica.

Thế giới phương Tây và phương Đông vẫn có thể kết hợp với nhau hay không? Một bên là YHCT với thuốc cây lá, bài thuốc dân gian với bên kia là y học hiện đại: thuốc hóa học, tây y, viên, tuýp….Hai thế giới đó có đối lập nhau không? Trong công trình đoạt giải thưởng Nobel y học của bác sĩ người Trung Quốc, người ta đã chiết xuất Artemisia annua bằng công nghệ vi sinh để làm ra viên thuốc. Đó là dược học hiện đại đã chiết xuất cây thuốc dân gian để trị bệnh sốt rét. Một loài cây, qua chiết xuất, thành viên thuốc, nó từ thuốc cổ truyền thành thuốc tây y, nó đã cứu sống hàng triệu người. Như vậy ý tưởng kết hợp cả hai nền YHCT và phương Tây rất tiềm năng.

Theo GS. Domenico, các loài cây 15-20 năm có tác dụng tốt để điều chế thuốc. Nhiều thuốc hiệu quả chữa bệnh nặng như bệnh hen suyễn. Ông còn khám phá tiềm năng của những loài cây y học bổ sung như dacricarpus để chữa ung thư qua tìm hiểu với GS. Thu Thủy. Italia và Việt Nam có thể kết hợp tinh hoa nền YHCT của Việt Nam với y học phương Tây của Italia trong công nghệ sinh học, vi sinh để bào chế thuốc chữa bệnh tiềm năng.

Italia và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu trong trồng lúa

Italia và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu trong trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường

Hợp tác Khoa học&Công nghệ Việt Nam-Italia

*Tiềm năng ứng dụng cây thuốc cổ truyền Việt Nam trong chiết xuất, bào chế dược liệu điều trị bệnh tự miễn và bệnh ung thư giữa ĐH Perugia (Italia) với Viện KH&CN Việt Nam.

* Nghiên cứu ứng dụng cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường: trong đó có hạn chế bệnh đạo ôn ở cây lúa. Nghiên cứu vi sinh vật ở cây lúa giúp giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Ở Italia cũng trồng lúa nhưng chỉ một vụ, từ tháng 5-tháng 9.

* Nghiên cứu Tiềm năng của điện năng lượng mặt trời: năng lượng xanh giảm phát thải nhà kính ở VN.

* Công nghệ 5G trong điện thoại di động và mạng internet.

Nguyễn Vân

Những thói quen bỏ càng sớm càng có lợi cho sức khỏe tim mạch

Ngồi nhiều

Ngồi hàng giờ, thậm chí nhiều giờ trong ngày để xem tivi, làm việc, lái xe, ăn uống… có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, ngay cả khi bạn tập thể dục đều đặn. Điều này xảy ra là do sự ít vận động, di chuyển có thể ảnh hưởng đến chất béo và lượng đường trong máu. Giáo sư Jamea A.Levine thuộc Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) cho biết, khi cơ thể ở tư thế ngồi, các bắp thịt thư giãn và hoạt động của các enzyme giảm từ 90 - 95%, khiến lượng chất béo tồn đọng nhiều trong máu. Chỉ cần chúng ta ngồi liên tục trong vài giờ là lượng cholesterol tốt đã giảm tới 20%. Những ai thường xuyên ngồi xem tivi hay vào mạng internet trong thời gian lâu thường dễ bị béo phì và huyết áp cao, lượng chất béo triglyceride và đường huyết cũng tăng cao, tất cả các yếu tố này đều liên quan đến nguy cơ tim mạch.

Lo lắng, căng thẳng

Cảm giác căng thẳng hoặc chán nản có thể ảnh hưởng đến nhiều bệnh, trong đó có bệnh lý tim mạch. Nguyên nhân là do khi lo lắng, căng thẳng tim sẽ đập nhanh hơn khiến tim phải tăng co bóp, tăng hoạt động nên càng nhiều lần lo lắng thì ảnh hưởng đến tim càng lớn. Bên cạnh đó, khi lo lắng, tuyến thượng thận tự tiết ra hormon catecholamine, một loại hormon có tác dụng làm co mạch ngoại vi (gây biểu hiện mặt mũi trắng bợt, tay chân lạnh toát khi sợ hãi) nhưng cũng có thể làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh tim mạch.

Ngủ ngáy

Ngáy có thể gây ra chứng ngừng thở khi ngủ, được biểu hiện bằng hơi thở bị gián đoạn trong khi ngủ, có thể gây ra huyết áp cao. Đây là một trong những thói quen xấu cho trái tim, đặc biệt là với nữ giới. Một nghiên cứu do TS. Frank Hu của Đại học Y Khoa Harvard, Boston, Massachusetts, Mỹ thực hiện trên 72 nghìn y tá về ảnh hưởng của ngáy đối với bệnh tim mạch đã cho thấy, phụ nữ bị chứng ngủ ngáy có rủi ro về bệnh tim mạch cao gấp 2 lần phụ nữ không ngáy.

Không dùng chỉ nha khoa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên quan chặt chẽ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim. Không dùng chỉ nha khoa có thể dẫn đến vi khuẩn sinh sôi trong mảng bám và mảnh vụn thức ăn trên răng. Tình trạng này kéo dài gây ra biểu hiện viêm trong cơ thể và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.

Uống rượu quá nhiều

Người uống quá nhiều rượu có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, mỡ máu cao và suy tim. Ngoài ra, thừa calo cũng có thể dẫn đến tăng cân và có thể tạo ra một mối đe dọa đến sức khoẻ tim mạch. Phụ nữ không uống nhiều hơn một ly mỗi ngày, và nam giới không quá hai ly một ngày. Cụ thể, đối với bia, một cốc tương đương 355 ml, một ly rượu thường là 148 ml, rượu mạnh là 45 ml.

Bên cạnh các yếu tố trên, việc ăn quá nhiều gây béo phì hay ăn thịt đỏ có hàm lượng chất béo bão hòa cao, đặc biệt là thịt chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cần được chú ý.

Lê Thu Lương

(Theo Boldsky.com)

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phân liệt

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phân liệt sau điều trị là quá trình thực hiện, tạo nên cơ hội cho bệnh nhân vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống hàng ngày đạt được các mục đích tối ưu về chức năng sinh hoạt giao tiếp, tâm lý xã hội, lao động nghề nghiệp để có thể hòa nhập với cộng đồng và môi trường ở chung quanh.

Phục hồi chức năng tâm lý xã hội

Sự cần thiết phải phục hồi và cách thức phục hồi:

Bệnh nhân tâm thần phân liệt sau khi được điều trị có thể hết các triệu chứng rối loạn tâm thần nhưng không học tập, làm việc và lao động được; có nội tâm bất ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Người bệnh thường có khuynh hướng sống ngày càng tách rời, xa lánh xã hội ở chung quanh; khó hòa nhập với cộng đồng và bệnh có khả năng tiến triển trở thành mạn tính. Trên cơ sở tồn tại này, xã hội cũng có xu hướng bỏ rơi bệnh nhân và thường xem họ không thể giúp ích được gì cho xã hội.

Để giúp cho việc phục hồi chức năng của người bệnh tâm thần phân liệt sau điều trị, nhân viên y tế cần giải thích cho người bệnh, gia đình bệnh nhân về bệnh lý mắc phải; đồng thời nên chấp nhận bệnh tâm thần phân liệt, xây dựng các chương trình phục hồi chức năng tâm lý và lao động nghề nghiệp cho từng người bệnh. Ngoài ra, phải giải thích cho người bệnh tầm quan trọng của việc dùng thuốc và cách dùng thuốc; hướng dẫn xử trí các tác dụng phụ của thuốc. Cần giúp cho người bệnh, người nhà của bệnh nhân biết cách ứng xử với những biểu hiện bất thường có thể phát hiện.

Một số điểm cần lưu ý khi phục hồi:

Cần lưu ý người bệnh tâm thần phân liệt bỏ nhà đi lang thang dễ có nguy cơ bệnh nặng thêm và bị nhiều ảnh hưởng khác do không được chăm sóc. Phải thuyết phục làm sao để gia đình, người thân của bệnh nhân ứng xử với người bệnh thuận lợi; bệnh nhân cảm thấy có được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương, đùm bọc; có không khí ấm áp, cảm giác an toàn khi sống với người thân. Trên thực tế, người bệnh không thể thực hiện được các hoạt động, công việc như trước khi bị bệnh; vì vậy bác sĩ điều trị và người thân của bệnh nhân phải quan tâm tìm hiểu khả năng sinh hoạt, làm việc của người bệnh; trên cơ sở này giúp họ có thể làm được những việc có ích mà họ có thể làm được.

Người bệnh không thể thực hiện sinh hoạt một cách hoàn chỉnh, công việc hay nôn nóng; do đó cần hướng dẫn cho người thân trong gia đình hiểu là phải kiên nhẫn, chia công việc ra từng công đoạn cho người bệnh dễ thực hiện, dần dần làm từ việc đơn giản đến việc phức tạp để có thể thực hiện phù hợp, khỏi bồn chồn và nôn nóng. Đối với những hành vi, cách cư xử khác thường của người bệnh; nhân viên y tế cần giải thích cho gia đình bệnh nhân có sự hiểu biết cần thiết để không nên căng thẳng, không nên phê phán và tranh luận hoặc trừng phạt hay xa lánh họ; tìm cách hướng dẫn người bệnh tránh thực hiện những hành vi, cách cư xử khác thường đó.

Nên động viên, khuyến khích, biểu dương, khen ngợi khi người bệnh làm được một việc tốt hoặc có sự cư xử phù hợp với những vấn đề mà người thân và gia đình mong muốn để họ vẫn cảm thấy rằng bản thân mình được yêu mến, sống còn có ích; dễ chấp nhận sự hướng dẫn điều trị, chăm sóc của bác sĩ và gia đình hơn. Hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh để họ có thể quyết định thực hiện được một cách đúng đắn trước một công việc nào đó rất quan trọng và cần thiết. Bác sĩ điều trị, gia đình và người thân của bệnh nhân phải thường xuyên, tiếp tục nói chuyện với người bệnh, để cho họ tham gia vào những cuộc nói chuyện trong gia đình; cần lắng nghe để người bệnh có thể nói được hết những suy nghĩ, tâm tư, cảm giác và thể hiện là mọi người trong nhà đều hiểu được họ.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cần giúp đỡ và hướng dẫn người bệnh thực hiện được những công việc thông thường, biết tự chăm sóc cho bản thân mình, có thể làm được những việc đơn giản như tắm giặt, vệ sinh cá nhân; gấp chăn màn, quần áo; quét nhà, thu xếp, dọn dẹp gọn gàng nơi ăn chốn ở của họ... Không nên để bệnh nhân ở trong tình trạng thụ động, cần giúp đỡ và hỗ trợ họ đi lại, đi chơi đây đó, giao tiếp, ứng xử, làm việc phù hợp với khả năng của họ. Tránh những tình huống có thể ảnh hưởng, làm cho tình trạng bệnh lý của người bệnh càng nặng thêm như bị những cảm xúc căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền; có những lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ thiếu thân thiện, không thận trọng của người chung quanh; tránh các cảm xúc đau buồn đột ngột, những xung đột trong mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng xã hội đối với bản thân họ.

Khi tình trạng bệnh lý của người bệnh trở nên xấu hơn qua cách cư xử khác thường của bệnh nhân như: trầm lặng, không ăn uống, thu mình lại hoặc trở nên hiếu động, nói luôn miệng hoặc bị kích động, sợ hãi; có ý định gây thương tích cho bản thân hay dọa nạt, tấn công người khác thì gia đình cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các bệnh viện chuyên khoa để được xử trí điều trị phù hợp.

Phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp

Sự cần thiết phải phục hồi:

Người bệnh tâm thần phân liệt sau khi được điều trị có thể giảm bớt hoặc mất đi các triệu chứng bệnh lý, chức năng tâm lý xã hội có khả năng được hồi phục nhưng không thể lao động, làm việc được; trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội dẫn đến sự buồn chán đối với bản thân. Vì vậy, việc phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp cho người bệnh sẽ giúp khắc phục được tình trạng này.

Lao động nghề nghiệp sẽ giúp cho người bệnh phát huy khả năng hoạt động tâm thần, hướng suy nghĩ của bệnh nhân vào công việc; hạn chế bớt việc suy nghĩ lan man, giúp họ quên đi bệnh tật, quên các cảm giác khó chịu do tình trạng ảo giác và hoang tưởng gây ra. Công việc và lao động nghề nghiệp cũng giúp người bệnh thoát khỏi hoàn cảnh ăn không ngồi rồi, đi lang thang, phá phách; giúp họ tự tin vào bản thân, xóa bỏ mặc cảm, ăn ngon và ngủ yên hơn. Đồng thời chính công việc và lao động nghề nghiệp cũng sẽ làm cho mọi người ở chung quanh giảm bớt những suy nghĩ sai lầm về người bệnh.

Cách thức phục hồi:

Trên thực tế, tùy theo từng trường hợp người bệnh và hoàn cảnh, môi trường sống của mỗi bệnh nhân để chọn lựa cho họ loại hình lao động nghề nghiệp thích hợp, phục hồi công việc cũ trước đây người bệnh vẫn làm như chăn nuôi, trồng trọt, lao động tiểu thủ công nghiệp... Có thể dạy cho bệnh nhân một công việc mới đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp điều kiện hoàn cảnh. Lưu ý các công việc để người bệnh bắt đầu trở lại làm là những việc nhẹ nhàng, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp hoặc có thể chia công việc ra làm nhiều công đoạn để giúp họ dễ dàng làm và hoàn thành từng công đoạn một. Khi khởi đầu, cần có người hướng dẫn, kèm cặp, giúp đỡ; bảo đảm an toàn cho người bệnh khi lao động, làm việc. Nên có sự đánh giá, động viên, khen ngợi và khuyến khích họ để thúc đẩy công việc thực hiện tốt hơn.

Một vấn đề cũng cần được quan tâm là tổ chức thời gian phục hồi lao động nghề nghiệp phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh, khả năng làm việc của từng người; đồng thời nên động viên bệnh nhân cố gắng, kiên nhẫn trong công việc và giúp cho họ có được thu nhập từ chính lao động nghề nghiệp của mình để tạo niềm tin nỗ lực phấn đấu.

Lời khuyên của thầy thuốcHiện nay theo các nhà khoa học, bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỉ lệ khoảng từ 0,3 - 1% dân số ở các nước và có khuynh hướng phát triển ở nhóm tuổi còn trẻ từ 18 - 40, đây là lứa tuổi lao động chính của gia đình và xã hội. Vì vậy, sau khi người bệnh được điều trị giảm bớt hoặc khỏi hẳn những triệu chứng bệnh lý lâm sàng, gia đình bệnh nhân kể cả nhân viên y tế ở các cơ sở y tế chuyên khoa cần quan tâm đến việc thực hiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội và lao động nghề nghiệp nhằm giúp bệnh nhân có điều kiện tiếp cận với môi trường sống ở chung quanh, hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác để họ không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội nữa.

BS. NGUYỄN TR M ANH

Mùa lạnh phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus

Đây là bệnh thông thường nhưng đáng lo ngại là tình trạng phụ huynh điều trị sai, coi thường hoặc nhầm tiêu chảy mùa đông sang bệnh khác như trẻ bị sốt, quấy do mọc răng, hay bị cảm về đêm..., hậu quả là nhiều bé bị mất nước trầm trọng.

Biểu hiện của bệnh

Sau 1 - 4 ngày bị lây nhiễm virut, trẻ có các biểu hiện của bệnh. Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1 - 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, có bé thì bị đi ngoài rồi mới nôn. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn. Hơn nữa, hiện tượng nôn trớ rất bất ngờ, bé đang chơi, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó.

Cho trẻ uống vắc - xin là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirrus hiệu quả nhất. Ảnh: H.Hà

Trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải), phân thường nhiều nước.

Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt, chảy nước mũi nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Chăm sóc trẻ mắc tiêu chảy cấp tại nhà

Với những trẻ mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà dự phòng mất nước và suy dinh dưỡng, trong đó cần đảm bảo cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để đề phòng mất nước như: oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch. Trong đó tốt nhất là bù nước, bù điện giải, tốt nhất là bằng nước oresol. Trên thị trường hiện có nhiều loại dành cho trẻ với hương vị rất dễ uống. Cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

Cha mẹ nên đút từng thìa

oresol cho trẻ uống, 2 phút một lần, không nên cho bé uống liên tục. Vì uống nhiều và liên tục,

oresol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.

Giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh: Đ. Tuấn

Nếu bù nước, điện giải cho trẻ không hợp lý như chỉ cho trẻ uống nước lọc sẽ không hiệu quả, hoặc cho trẻ uống cháo gạo quá mặn, nước hoa quả pha đường. Thậm chí, có cha mẹ cho con uống cả coca, soda và các loại nước có ga cấm dùng cho trẻ tiêu chảy..., khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn.

Tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng: Phần lớn trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn trở lại khi được bù đủ dịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, khẩu phần ăn hằng ngày của bé nên được tiếp tục và tăng dần lên. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng giúp cơ thể bé chóng bình phục, hồi phục cân nặng và chức năng đường ruột. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên. Tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.

Khi nào cần truyền dịch?

Trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng uống nước oresol, ăn được, chơi bình thường... thì cha mẹ không nhất thiết phải truyền dịch. Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

Lưu ý, khi trẻ bị tiêu chảy do virut, cha mẹ tuyệt đối không được cho con uống thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ làm cho trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột làm bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Bệnh có thể phòng

Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, do đó nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Hiện nay phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là cho trẻ uống vắc-xin. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh (tuổi lớn nhất còn có thể uống được vắc-xin phòng Rotavirus là 3 tháng tuổi, tuổi kết thúc uống là 4 tháng tuổi). Sau khi uống vắc-xin lần thứ nhất, cần theo dõi xem trẻ có biểu hiện dị ứng hoặc bất thường để báo ngay với bác sĩ.

Bên cạnh đó, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ.

Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc

Nhận biết và xử trí khi progesterone cao

Tuy nhiên, có những trường hợp, progesterone cao có thể do các nguyên nhân khác. Mức progesterone cao có thể dẫn đến một loạt các phản ứng không mong muốn.

Các triệu chứng của progesterone cao

Sự mất cân bằng hormon này có thể dẫn đến nhiều phản ứng phụ tiêu cực. Khi nồng độ progesterone cao cơ thể sẽ có các triệu chứng như: lo lắng, đầy hơi, đau ngực, trầm cảm, mệt mỏi, mất ham muốn tình dục, tâm trạng dễ thay đổi, yếu cơ, khô âm đạo.

Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: mụn trứng cá, da nhờn, nhức đầu, nóng bừng, mất kiềm chế, nhiễm trùng niệu, tăng cân.

Các xét nghiệm đánh giá mức progesterone cao

Biểu đồ nhiệt độ nền cơ thể BBT (Basal body temperature): Nhiệt độ nền cơ thể hoặc biểu đồ BBT, là quá trình ghi lại nhiệt độ cơ thể khi nghỉ ngơi mỗi ngày để nắm bắt thông tin liên quan chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi rụng trứng, ở phụ nữ có tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể nhưng ổn định và tăng nhẹ. Nếu nhiệt độ không đều hoặc liên tục cao, có thể có mức progesterone cao.

Độ dài thời gian của giai đoạn hoàng thể (luteal phase): Nếu thời gian rụng trứng ít hơn 11 ngày trước khi có kinh, đây có thể là dấu hiệu của khiếm khuyết liên quan đến giai đoạn hoàng thể. Rụng trứng có thể được phát hiện thông qua việc sử dụng một thiết bị dò rụng trứng, hoặc biểu đồ BBT.

Kiểm tra hormon tuyến nước bọt: Các xét nghiệm nội tiết có thể được thực hiện thông qua kiểm tra nước bọt. Sau khi phân tích nước bọt, phòng xét nghiệm có thể xác định được mức progesterone thấp hay cao.

Kiểm tra hormon trong máu: Mặc dù xét nghiệm hormon của nước bọt có thể tiện ích và không xâm nhập so với xét nghiệm hormon trong máu, nhưng xét nghiệm hormon trong máu có thể giúp xác định một số thông tin quan trọng của cơ thể bạn.Ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể cải thiện tình trạng progesterone cao (không do thai nghén).

Ăn đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có thể cải thiện tình trạng progesterone cao (không do thai nghén).

Thời điểm kiểm tra mức progesterone tốt nhất

Nếu có bất kỳ triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng hormon, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra mức progesterone. Thời gian tốt nhất để thực hiện kiểm tra là 7 ngày sau khi rụng trứng hoặc 7 ngày trước khi khi có kinh nguyệt. Vào những thời điểm này, có nhiều khả năng phát hiện mức đỉnh của progesterone.

Mức progesterone cao trong thai kỳ sớm

Nồng độ progesterone cao thường gặp đối với phụ nữ mang thai. Khi bào thai phát triển, nồng độ progesterone cũng tăng lên. Sự gia tăng progesterone có thể khiến bà mẹ cảm thấy kiệt sức và làm chậm tốc độ tiêu hóa thức ăn gây ra táo bón.

Trong thời kỳ mang thai, nếu mức progesterone tăng quá cao, có thể gợi ý có tình trạng đa thai song sinh hoặc sinh ba...

Mức progesterone tăng cũng có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung và đôi khi gặp trong ung thư buồng trứng.

Cách xử trí với mức progesterone cao

Thay đổi lối sống: Thông thường bước đầu tiên để duy trì sự cân bằng của hormon là thay đổi lối sống thích hợp. Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, cùng với các thực hành giảm stress như thiền và yoga, không những giúp làm giảm các triệu chứng liên quan đến nồng độ progesterone cao, mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và tinh thần. Một số nghiên cứu cho thấy có thể làm giảm các triệu chứng liên quan đến sự mất cân bằng progesterone bằng cách ăn các thực phẩm làm tăng lượng estrogen cho cơ thể như đậu nành, anh đào, khoai tây, lúa mì, gạo, táo.

Giải pháp thảo dược: Một số phụ nữ có thể muốn thử các liệu pháp thảo dược để kiểm soát các triệu chứng liên quan đến mức progesterone cao. Hai loại thảo mộc có khả năng hiệu quả nhất là các loại thảo mộc chứa nhiều hợp chất phytoestrogen và các loại thảo mộc không estrogen.

Các loại thảo mộc chứa phytoestrogen, chẳng hạn như thiên ma (black cohosh), cung cấp hợp chất estrogen từ thực vật cho cơ thể, giúp loại trừ sự mất cân bằng hormon. Lưu ý chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.

Các loại thảo mộc không estrogen, như macafem, trái ngược với loại thảo mộc chứa phytoestrogen. Những loại thảo mộc không estrogen hỗ trợ các tuyến nội tiết tăng sản xuất hormon. Các loại thảo mộc này được xem là ít gây khó chịu nhất và an toàn nhất để điều trị chứng mất cân bằng progesterone. Lưu ý chỉ được sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.

Liệu pháp thay thế hormon: Hình thức trị liệu này liên quan đến việc sử dụng thuốc chứa hormon để giải quyết sự mất cân bằng của progesterone. Cần lưu ý rằng liệu pháp thay thế hormon có nhiều tác động tiêu cực và có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, ung thư vú, đột quỵ và bệnh tim.

BS. Thanh Hoài